MỘT SỐ THIỂN Ý VỀ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI HÓA VÀ TOÀN CẦU HÓA

Thứ hai - 28/11/2016 10:40   Đã xem: 2517
MỘT SỐ THIỂN Ý VỀ GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI HÓA VÀ TOÀN CẦU HÓA
 
 
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội tồn tại lâu dài. Xu hướng hiện đại hóa và đa dạng hóa tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng cần trở về với hiện thực cuộc sống, tích cực tham gia vào những hoạt động xã hội và cố gắng giải quyết những vấn đề của nhân gian. Từ khi xuất hiện đến nay, tôn giáo luôn luôn biến động phản ánh sự biến đổi của lịch sử. Một tôn giáo có thể hưng thịnh, suy vong, thậm chí mất đi nhưng điều đáng nói là tôn giáo cần phải làm thế nào để song hành cùng với đời sống của nhân loại trong thời đại ngày nay.
             Ngay từ buổi bình minh của nhân loại, tôn giáo đã xuất hiện với mục đích hướng con người đến chân thiện mỹ.  Đối với thời đại ngày nay, tôn giáo phải vận dụng được ngành khoa học, triết học, sinh vật học, thiên văn học v.v… vào tôn giáo mình, còn vấn đề siêu nhiên của tôn giáo thì ít đề cập đến. xã hội và thế gian. Đặc biệt hiện đại hóa tôn giáo  càng gần với con người và ngày nay càng có ý nghĩa.
I.  TÔN GIÁO TRONG BỐI CẢNH HIỆN ĐẠI HÓA, TOÀN CẦU HÓA 
  Từ khi xuất hiện đến nay, tôn giáo tuy phải trải qua những giai đoạn hưng thịnh, suy vong, thậm chí mất đi nhưng tôn giáo luôn luôn song hành cùng với đời sống của nhân loại. Để đánh giá thực trạng của tôn giáo, có nhiều ý kiến khác nhau. Tựu trung lại có ba ý kiến sau:
1. Tôn giáo đang khủng hoảng, suy tàn: trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ... 
2. Tôn giáo ở trung tâm Tây Âu suy tàn nhưng tôn giáo ở các nước khác đang phát triển. 
3.  Tôn giáo, tín ngưỡng đang phục hồi và phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia, châu lục: cách đánh giá này được nhiều người thừa nhận. Thực tế trong mấy thập kỷ gần đây, tín ngưỡng, tôn giáo đang phục hồi và phát triển ở nhiều quốc gia, châu lục và số lượng tín đồ hiện nay chiếm khoảng 3/4 dân số trên thế giới. 
Tìm hiểu nguyên nhân của thực trạng tôn giáo là một điều không đơn giản. Tuy nhiên có thể nêu lên một số nguyên nhân chủ yếu sau:
1. Những mâu thuẫn về kinh tế, chính trị, xã hội ngày càng gay gắt, trên thế giới hiện nay đang xảy ra nhiều mâu thuẫn, xung đột về chính trị, kinh tế, xã hội và cả quân sự, khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn giữa các quốc gia trên thế giới và khu vực.
2. Những hậu quả tiêu cực của sự phát triển của khoa học và công nghệ mới để lại những hậu quả nặng nề mà nhân loại đang phải gánh chịu. Đó là sự suy thoái về môi trường, sinh thái như phá rừng, ô nhiễm, tầng ôzôn bị thủng, trái đất nóng dần lên... bên cạnh đó là các bệnh dịch mới xuất hiện (AIDS, SARS...) làm cho tiên tri về “nạn hồng thủy”, “ngày tận thế”... phát triển, làm xuất hiện nhiều tôn giáo mới...
Các diễn biến trên thể hiện sự phức tạp trong đời sống tôn giáo với nhiều xu thế diễn ra đan chéo rất khó phân định ngay trong bản thân từng tôn giáo. Tuy nhiên, có thể quy vào các xu thế sau đây:
 1. TOÀN CẦU ĐA DẠNG, HIỆN ĐẠI HÓA
Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để miêu tả các thay đổi về kinh tế, văn hóa, tôn giáo v.v… tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân trên quy mô toàn cầu. 
Đối với tôn giáo, toàn cầu hóa là sự mong ước và cố gắng của tất cả các tôn giáo có mặt trên khắp địa cầu, dù là những tôn giáo thế giới có bề dày lịch sử lâu đời hay chỉ là những hiện tượng tôn giáo mới (như đạo Cao Đài ở Việt Nam) ra đời gần đây và ngay từ khi mới ra đời đạo Cao Đài đã tuyên bố sẽ là tôn giáo của nhân loại. Từ xu thế toàn cầu hóa dẫn đến xu thế đa dạng hóa trong tôn giáo. Điều này phản ánh được nguyên tắc của thời đại: thống nhất trong đa dạng.
Xu thế hiện đại hóa biểu hiện ở vai trò của tôn giáo bị giảm sút, đặc biệt là ở các nước công nghiệp, nhất là ở các cư dân thành thị và tầng lớp thanh niên. Xu thế hiện đại hóa cũng biểu hiện trong cuộc đấu tranh của bộ phận tiến bộ trong từng tôn giáo muốn xóa bỏ những điểm lỗi thời trong giáo lý, những khắt khe trong giáo luật, muốn tiến tới sự đoàn kết giữa các tín đồ các tôn giáo khác nhau. Họ cho rằng cuộc sống bản thân được quyết định chủ yếu là tự thân, ít phụ thuộc và không phụ thuộc vào thần linh. Xu thế hiện đại hóa cũng có mặt trái, thể hiện rất rõ trong việc tham gia vào các hoạt động chính trị của một số tổ chức tôn giáo nhằm bảo vệ trực tiếp hay gián tiếp quyền lợi của các thế lực chính trị.
Trong một thời gian dài tìm hiểu vai trò của tôn giáo trong đời sống hiện đại, các nhà khoa học xã hội đã cho rằng xu hướng hiện đại hóa có thể được hiểu đó chính là những hoạt động nhập thế của các tôn giáo bằng cách tham gia vào những hoạt động xã hội như xã hội, đạo đức, giáo dục, y tế nhằm vào việc cứu nhân độ thế. Những phong trào này phát triển theo tinh thần từ bi lân mẫn nên nhận được nhiều sự ủng hộ, làm con người xích lại gần nhau. Dĩ nhiên, sự tình nguyện, dấn thân trong các phong trào thiện nguyện xã hội là cách làm đắc nhân tâm, đúng nhu cầu xã hội. 
Muốn tôn giáo có nền ảnh hưởng sâu rộng thì phải đáp ứng được thời đại và khoa học. Cho nên, bắt đầu xuất hiện những dạng tôn giáo thích nghi với xu thế toàn cầu hóa, tương ứng với thời kỳ hậu công nghiệp. Thời kỳ chúng ta đang sống, trình độ học vấn và hiểu biết của quần chúng nhân dân được nâng cao, đặc biệt là những thành tựu của khoa học công nghệ đã quyết định thái độ đối với vai trò tôn giáo trong đời sống. Con người thế tục hóa tôn giáo, kéo theo tính đa dạng trong đời sống Tôn giáo. 
Như vậy,  sự hiện đại hóa tôn giáo có thể xảy ra các vấn đề sau khi tôn giáo tiến hành tự điều chỉnh bản thân mình, tạo ra sự thay đổi tương đối phù hợp với nhu cầu xã hội, thể hiện càng rộng càng sâu hơn ý nghĩa của từ thế tục hóa.
Từ thế kỷ XV, sự phát triển của Tôn giáo không ngừng hiện đại hóa (biểu hiện điển hình là cải cách tôn giáo), không ngừng xuất hiện những phong trào tôn giáo mới này đã thể hiện đặc trưng chủ yếu của tình hình toàn cầu đa dạng tôn giáo hiện nay. Phật giáo là một trong ba tôn giáo lớn nhất trên thế giới, và Phật giáo Việt Nam là sự kết tinh của cả hai hệ Nam và Bắc truyền, nên Giáo hội Phật giáo Viện Nam hiện nay trong bối cảnh toàn cầu đa dạng hóa, hiện đại hóa , theo thiển ý tác giả, cần theo mô hình sau:
1.  Phù hợp với đạo đức
Tôn giáo và đạo đức có một mối liên quan trực thuộc, nói theo lý Duyên sinh nhà Phật, thì cả hai đều bổ sung cho nhau, trong cái này có cái còn lại, là sự song hành bất khả phân ly trong đời sống xã hội. Liên tưởng đến Phật giáo không lấy đạo đức làm nền tảng thì Phật giáo là mối đe dọa đối với đời sống xã hội, sự an ninh sẽ bị rình rập và kéo theo đó là những nổi khổ niềm đau ập xuống đầu nhân loại. Kinh Tăng Chi đức Phật dạy: “Này Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau: Các pháp này là thiện, là không có tội lỗi; các pháp này được những người có trí tán thán; các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện đưa đến hạnh phúc và an lạc, thì này Kamala, hãy chứng đạt và an trú”.Đức Phật dạy chúng ta phải tin và có trí huệ, và hãy xem việc nào đưa đến hạnh phúc và an lạc cho mình, cho người thì hãy tin theo đó.
Đạo đức cũng như thế, nếu đạo đức mà không có chỗ để quy về điểm chuẩn thì những hành vi thiện ác của con người sẽ không được thực hiện một cách đúng mức. Cho nên, Phật giáo và đạo đức  không thể tách rời nhau được, bởi vì cả hai đều hướng đến điều thiện, điều tốt đẹp. 
3. Thích ừng thời đại khoa học
Nhà khoa học nổi tiếng Albert Einstein đã bác bỏ sự thần thánh hóa trong tôn giáo, ông quan tâm đến đời sống con người ở hiện tại và ngay cả sau khi chết. Theo ông “Khoa học mà thiếu tôn giáo là khập khiễng. Tôn giáo mà không có khoa học thì mù quáng” (Science without religion is lame. Reigion without science is blind). “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo Tôn giáo thiếu khoa học sẽ bị tê liệt, khoa học thiếu đạo đức sẽ bị mù quáng. Ðây là một nhận định về thực tại tôn giáo trong xã hội ngày nay. Tôn giáo ở đây cũng được hiểu như là một vấn đề đạo đức của nhân loại, nếu khoa học không có đạo đức tôn giáo sẽ dễ dàng rơi vào tiêu cực, đôi khi còn đi ngược lợi ích của con người. 
Ngày nay, mọi lĩnh vực xã hội đều chịu ảnh hưởng bởi nền phát triển tiên tiến của khoa học kỹ thuật. Sự tác động quá lớn của nền khoa học kỹ thuật đã ảnh hưởng đối với niềm tin của một số tôn giáo cổ truyền. Nhiều quan niệm tôn giáo căn bản sụp đỗ dưới áp lực của khoa học hiện đại và không còn được chấp nhận bởi người trí thức và những người hiểu biết am tường. Những nhận thức về chân lý xuất phát từ thần học hay các quyền lực căn cứ trong các kinh điển tôn giáo sẽ có cách nhìn khác hẳn với khoa học. Tuy nhiên, cũng có một số tôn giáo vẫn không có quan tâm gì đến việc mâu thuẫn của hệ thống giáo lý của mình với khoa học. Chính sự bảo thủ của những tôn giáo này là một bước cản trở cho sự tiến bộ của nhân loại.
Một số tôn giáo đã có sự cải cách lớn về học thuyết của mình để phù hợp với thời đại. Tuy vậy, cũng không thể nào phủ nhận hết những thứ mà tôn giáo đã làm cho nhân loại, tôn giáo đã thiết lập các giá trị, các tiêu chuẩn và đặt ra những nguyên tắc để hưởng dẫn con người. Do đó, một tôn giáo muốn tồn tại trong xã hội tương lai, phải xem lại những tư tưởng bảo thủ, giáo điều và phải biết vận dụng những tiến bộ khoa học để hỗ trợ cho tôn giáo của mình. 
Quan điểm về tôn giáo và khoa học có thể đi từ chỗ cái nọ phủ nhận cái kia cho đến dung hòa hơn. Ở góc độ này, một số người cho rằng những hiểu biết Phật  giáo có thể trả lời mọi câu hỏi liên quan đến vũ trụ và đời sống con người. Ở phương diện khác, một số người lại cho rằng Phật  giáo là mê tín, phi lý, hoang đường, chỉ có khoa     học mới đưa ra được câu trả lời đúng đắn. Phật  giáo và khoa học cần dùng các phương pháp để tìm đến chân lý và kiến thức đồng thời bổ sung cho nhau. Sống trong một thế giới được mệnh danh là "hiện đại", dù khoa học kỹ thuật phát triển đến mức nào chăng nữa, nhưng nếu bao lâu con người vẫn còn thắc mắc về ý nghĩa của cuộc sống, vẫn còn ngạc nhiên về sự huyền bí và vô tận của vũ trụ, cũng như có nhu cầu mạnh mẽ về sự giải thoát tâm linh... thì khi đó cảm thức tôn giáo vẫn còn hiện hữu không phải như một sự dự cảm tiền khoa học về thế giới, mà như là một kinh nghiệm nội tại hoặc siêu việt của cá nhân.
Phật  giáo dùng những phương pháp dựa theo sự hiểu biết chủ quan của trực giác cá nhân và kinh nghiệm hoặc căn cứ vào  các kinh sách hay người được xem là tiên tri. Trái lại, khoa học dùng phương pháp khoa học, một quá trình khách quan để điều tra nghiên cứu dựa theo chứng cớ, dùng các hiện tượng có thể quan sát và xác minh được. 
Trên thực tế, cho đến ngày nay, khoa học và Phật giáo vẫn cùng tồn tại, một số niềm tin tôn giáo có thể mờ nhạt đi và được thay thế bởi khoa học nhưng những chân giá trị của Phật giáo vẫn giữ nguyên ý nghĩa của nó và vẫn đang ngày một hòa quyện hài hòa với khoa học. Sự phối hợp giữa Phật giáo và khoa học phải được hỗ tương và bổ túc cho nhau, chứ không có nghĩa như sự trộn lẫn hay hòa nhập vào nhau như pha trộn một dung dịch gồm có muối và nước. 
Tóm lại, sự phối hợp khoa học và Phật giáo phải đặt trên nền tảng con người, với mục đích khảo sát sự tương quan giữa con người và vũ trụ, cũng như sự tương quan, tương duyên giữa con người với con người. Do đó, đòi hỏi nghiên cứu khoa học phối hợp phải gồm cả hai mặt là vũ trụ vật chất lẫn cả vũ trụ tâm linh.
Albert Einstein, nhà bác học và nhà vật lý học nổi tiếng của thế kỷ 20 đã tuyên bố về Phật giáo khi ông phát biểu rằng: 
Nếu có một tôn giáo nào mà đương đầu với những nhu cầu của khoa học hiện đại thì tôn giáo đó sẽ là Phật giáo. Phật giáo không yêu cầu sự xét duyệt lại nhằm làm cho nó bắt kịp với những phát minh khoa học, trong thời gian gần đây Phật giáo cũng không cần chia sẻ những quan điểm của mình với khoa học bởi vì Phật giáo bao gồm khoa học đồng thời vượt xa hơn khoa học. Phật giáo là một cầu nối giữa tư tưởng tôn giáo, và khoa học bằng cách khuyến khích con người khám phá ra những khả năng tiềm ẩn bên trong chính anh ta. Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo vượt thời gian. 
Với  các xu thế toàn cầu đa dạng, hiện đại hóa, hợp với đạo đức, phù hợp với khoa học và vận dụng những tiến bộ khoa học cho tôn giáo của mình... lại phù hợp với Phật giáo ngày nay.
             II. XU THẾ PHÁT TRIỂN PHẬT GIÁO 
Ngày nay, dân trí được nâng cao, không gian xã hội của cá nhân đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, khu vực. Con người không chỉ tiếp cận với các tôn giáo truyền thống mà còn tiếp cận với các tôn giáo khác, sự tiếp cận ấy không hề thụ động mà còn có sự phê phán, tiếp thu. Như vậy, nhân loại ngày nay cần có một nhu cầu tâm linh hợp với thời đại để quân bình cuộc sống, nghĩa là một nhu cầu phát triển tốt đẹp cả về vật chất lẫn tinh thần. Bác Học Albert Einstein đã nhận xét về vấn đề tôn giáo trong tương lai như sau:“ Phật giáo có những đặc trưng của một tôn giáo mang tính toàn cầu trong tương lai mà mọi người mong đợi. Nó vượt xa hơn giới hạn của việc thờ cúng cá nhân một vị thần hay thánh, và tránh được chủ nghĩa giáo điều hay thần học. Nó bao hàm cả lãnh vực tự nhiên và siêu nhiên và nó dựa trên một cảm nhận về tâm linh xuất phát từ kinh nghiệm tiếp xúc với mọi vật, dù mang tính tự nhiên hay siêu nhiên, như một tổng thể có ý nghĩa. Nếu có được một tôn giáo nào có khả năng đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại, thì đó chính là Phật Giáo”.
Những lời phát biểu của Einstein về khoa học và tôn giáo đã phản ánh sự thán phục của ông về việc Phật giáo làm cách nào để có thể đem đến cho mọi người lòng từ bi và đạo đức, đó cũng là hai yếu tố rất quan trọng trong nền văn hóa Do Thái, cũng như một quan điểm logic mang tính phân tích tuyệt đối nền tảng của những ý tưởng khoa học. Ông đã tìm thấy ở Phật giáo một hệ thống duy nhất kết hợp được logic, từ bi và đạo đức theo một phương cách có thể mang đến một quan điểm thống nhất về thế giới và vũ trụ và phát huy quyền lợi cho tất cả mọi người.
Dù trải qua hàng trăm năm phát triển, khoa học kỹ thuật đến nay tiến bộ đến mức "gần như thần thông" nhưng khoa học kỹ thuật cũng gây lo ngại cho hầu hết loài người. Run sợ trước cảnh thiên tai dồn dập, vũ khí giết người hàng loạt và bệnh tật (nhất là tâm bệnh) ngày càng nhiều, nên càng ngày càng có nhiều người tìm về tôn giáo để có niềm hạnh phúc an vui hơn.
Có thể nói, bởi con người muốn hướng đến một thế giới tốt đẹp hơn, một cuộc sống tốt đẹp hơn về mặt tinh thần nên họ bắt đầu quay về với tôn giáo. Mặt khác, khi khoa học kỹ thuật không đủ điều kiện để làm nền móng vững chắc cho con người nương tựa trước bao nhiêu là hiểm họa và thiên tai thì bắt buộc con người phải đi tìm một nơi nương tựa mới, đó là tôn giáo. Thế nên, trên xu hướng phát triển, các tôn giáo đang ngày một phát triển rộng rãi trên phạm vi toàn cầu. Tất cả đều đưa ra những giáo lý của mình để nhằm khẳng định chính mình và muốn chiếm địa vị tốt nhất, cao nhất trong xã hội ngày nay.
Albert Einstein khẳng định: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".  Đồng thời, một lần khác ông cũng khẳng định rằng “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học”
Dù những lý thuyết khoa học của ông rất phức tạp và khó hiểu, nhưng tấm lòng nhân đạo và mến chuộng hòa bình của ông đã khiến cho mọi người cảm thấy gần gũi với ông. Ông đã cống hiến tất cả trí tuệ và sức lực của mình đối với sự phát triển khoa học của nhân loại. 
Không những nhà vật lý học Albert Einstein mà  nhà vũ trụ học Stephen Hawking từ nghiên cứu về khởi nguyên và cấu trúc của vũ trụ (từ Big Bang cho tới lỗ đen) cho rằng con người không cần nhắc tới những thế lực thần thánh để giải thích sự hình thành của vũ trụ “Do sự tồn tại hiển nhiên của những quy luật vật lý, chẳng hạn như lực hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tiếp tục tự tạo ra nó từ hư không. Sự hình thành tự phát của vũ trụ là lý do khiến vũ trụ và con người tồn tại. Vì thế đưa Chúa vào quá trình hình thành của vũ trụ là việc không cần thiết”. 
Thuyết  Vụ Nổ Lớn (Big Bang) minh chứng vũ trụ xuất hiện từ những quá trình tự nhiên thuần túy mà không cần có sự can thiệp bởi một sức mạnh siêu nhiên nào.  Trong cuốn sách bán chạy nhất thế giới của ông “Lược sử thời gian”, ông đã chỉ ra rằng, nếu lý thuyết vũ trụ hiện tại là đúng thì sự tạo thành của vũ trụ hoàn toàn có thể giải thích được bằng các định luật vật lý thuần tuý. Trong tình huống như thế, Hawking đặt ra câu hỏi, cái gì đóng vai trò cho một Đấng Sáng Tạo? Trong cuốn sách Lược sử thời gian, nhà vật lý Stephen Hawking đã tuyên bố, khi một nhà vật lý tìm ra một lý thuyết, anh ta và các đồng nghiệp đang tìm kiếm cái gọi là Lý thuyết của vạn vật, sau đó họ sẽ nhìn vào Ý niệm của Chúa. Ông là nhà vật lý duy nhất gán Chúa với các định luật vật lý. Cũng trong cuốn Lược sử thời gian, Hawking đã chỉ ra rằng, nếu mô hình về một vũ trụ không có biên là đúng thì không cần phải viện đến một Đấng Sáng Tạo. Lý thuyết Vụ Nổ Lớn nói rằng, vụ nổ xảy ra ở tất cả mọi điểm trong không gian và là bắt đầu của thời gian. Bởi vì điều mà ông đã tuyên bố là không có vai trò nào cho một Đấng Sáng Tạo. 
Cũng theo Chinadaily, Vietnamnet Cập nhật ngày 06/09/2010:
Chúa không tạo nên vũ trụ và "Big Bang" là kết quả không thể tránh được của các định luật vật lý – nhà vật lý lý thuyết kiệt xuất người Anh, Stephen Hawking đã bàn luận như vậy trong một cuốn sách mới xuất bản của mình.
Và ngày 20 tháng 04 năm 2013 mạng báo An ninh Thế giới tác giả Phương Hà có bài: Vũ trụ không cần ai sáng thế (15:55 30/04/2013):
Vũ trụ rất có thể đã tự hình thành mà không cần tới bàn tay sáng thế của Thiên Chúa. Ở thời điểm hiện nay, các nhà vật lý đã đề xuất một số giả thuyết để giải thích sự xuất hiện của vũ trụ mà không cần sự can thiệp của Thượng Đế. Đó là ý kiến của Stephen Hawking, nhà thiên văn học nổi tiếng, một trong 10 thiên tài hàng đầu thời hiện đại.
Như thế, khoa học phát triển, trình độ tư duy của con người ngày càng cao, đặt ra cho tôn giáo những nhiệm vụ mới, như:
Sự hiểu biết  khoa học hoài nghi sự lý giải đúng y nguyên về nhiều học thuyết tôn giáo truyền thống, hình thành ở giai đoạn tiền khoa học và bảo vệ những giả thuyết mà khoa học không thể bảo vệ. Thí dụ, điều đó có liên quan tới  luận điểm cho rằng vũ trụ được tạo ra trong 6 ngày (nếu hiểu điều đó theo đúng y nguyên).
 Quyền lực đối với hiện thực mà khoa học đem lại cho con người tạo ra các vấn đề đạo đức cho tín đồ (cũng như cho những người vô thần). Thí dụ, các công nghệ hạt nhân: chúng đem lại phương thức hữu hiệu để sử dụng năng lượng, phương pháp này, xét về mặt lý luận, là ít có hại hơn đối với môi trường so với việc sử dụng nhiên liệu. Song các công nghệ này cũng dẫn đến tai họa có thể xảy ra ở các nhà máy điện nguyên tử, cũng như đến việc sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân. Một lĩnh vực khác mà trong đó các khả năng do khoa học mở ra, lại làm nảy sinh các vấn đề đạo đức như công nghệ gien chẳng hạn.
 Đây là những hệ quả của khoa học gây ra mà con người với sự hạn chế của mình, không thể giải quyết được, đành phải nhờ đến tôn giáo. 
Như thế, muốn giải quyết các vấn nạn của thời đại hậu công nghiệp là điều không dễ dàng gì. Tôn giáo thời tiền sử với niềm tin thô sơ và cầu nguyện không thể phù hợp mà phải là một tôn giáo vững mạnh, mà phải có hệ thống khoa học vững chắc, được xây dựng trên một nền đạo đức nhân bản . Phật giáo là vấn đề tâm linh, nhưng đồng thời cũng phải bao trùm cả khoa học thì con người trong thời đại khoa học mới thấy không mâu thuẫn và an lòng khi hướng về nó. Khoa học giúp con người phát triển theo chiều thẳng thì Phật giáo giúp con người phát triển theo chiều sâu, cân bằng những thiên lệch mà khoa học gây ra, để con người sống hài hòa đạo đức. Muốn như thế Phật giáo không những không mâu thuẫn mà phải đồng hành cùng  khoa học. 
         III. NHỮNG Ý KIẾN THIẾT THỰC CHO SỰ PHÁT TRIỂN GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM HIỆN NAY
Đức Phật ra đời với mục đích: “vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người”. Nghĩa là, giáo pháp của Thế Tôn giải phóng con người khỏi khổ đau, đạt được hạnh phúc. Bởi thế, nhiệm vụ trước mắt hiện nay, Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cũng như các tự viện lớn nhỏ đều vạch ra đường hướng mới trong việc tu học để được sự an lạc và truyền bá đạo pháp qua những công việc thiết thực sau.
1.  Đào tạo Tăng tài
Phật giáo phát triển hay không là nhờ có Tăng tài, thế nên Phật giáo Việt Nam cần quan tâm hơn nữa việc đào tạo nhân tài, cải cách giáo dục, không chỉ đào tạo chuyên về nội điển mà còn phải rành ngoại điển để thích ứng với thời đại. Như vậy mới dễ dàng đem đạo vào tận sâu trong các tầng lớp nhân dân. Đào tạo Tăng Ni vừa có kiến thức Phật giáo, vừa có kiến thức tổng quát ở thế gian, nhưng điểm đặc biệt cần quan tâm là nhân cách và phẩm hạnh đạo đức của Tăng Ni. Chính vì thế, quan điểm về Giới Luật, đạo đức người xuất gia cần được nhấn mạnh và phát huy. Đó là yếu tố đầu tiên quyết định vận mệnh thịnh suy của Phật giáo.
Bên cạnh đó, cần mạnh dạng ủng hộ phong trào đào tạo Tăng Ni sinh du học các nước. Xóa bỏ mọi định kiến, theo tinh thần hòa hợp, học hỏi những văn minh tiến bộ với các nước có truyền thống Phật giáo. Hơn nữa, khi chấp nhận hình thức du học nơi các nước, cũng chính là cơ hội để chúng ta mang văn hóa đất nước mình đến các nước khác. Chỉ cần cá nhân du học xây dựng nhân cách, đạo đức tốt đẹp, sẽ tạo sức ảnh hưởng, chỗ đứng cho Phật giáo Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong lòng người ngoại quốc. Vì thế, giới xuất gia, tại gia phải mạnh dạn đào tạo Tăng Ni du học nhằm làm phong phú chất xám cho Phật giáo.
2. Hoằng pháp
Song song với việc đào tạo Tăng Ni tài đức, còn một yếu tố không kém phần quan trọng, đó là công tác hoằng truyền chánh  pháp cho Phật tử. Bởi vì:
 “Phật pháp xương minh là do Tăng già hòa hợp
Thiền môn hưng thịnh là nhờ đàn việt phát tâm”
Ngày nay, đa số những Phật tử đến chùa theo truyền thống chỉ để tụng Kinh, cúng dường, làm công quả … rồi trở về nhà, thậm chí có người không hiểu gì về lời Phật dạy,. Chính vì thế, lòng sân si, tự ái, ngã mạn,… vẫn còn đầy ắp trong tự thân mỗi người. Thật sự rất đau lòng và đây cũng chính là cái lỗi lớn nhất của hàng xuất gia, chỉ cho “ăn” mà không chịu “dạy” giáo lý cho họ. Như vây, người Phật tử đúng nghĩa là “Từ Phật Pháp Tăng (Tam bảo) sanh, được phần Như Lai, mới gọi là Phật tử.”
Thiết nghĩ Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo thế giới trong tương lai cần mở thêm những lớp giáo lý cho cư sĩ Phật tử không chỉ ở thành thị mà còn phải đến tận những vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao hẻo lánh…, hoặc sau những giờ tụng Kinh chiều hay tối, vị trụ trì nên có những buổi dành riêng cho việc gần gũi, tiếp xúc và giải đáp những điều mà Phật tử chưa hiểu về giáo lý, thậm chí đến những gút mắc trong đời sống của ngừời Phật tử. Giáo Hội Phật giáo Việt Nam nói chung và vị trụ trì lãnh đạo tâm linh cho quần chúng nói riêng, trong tương lai cần quan tâm nhiều hơn đến đời sống hằng ngày của quần chúng Phật tử, kể cả những hộ gia đình chưa phải Phật tử. Làm như vậy người Phật tử sẽ có cảm giác “Tam Bảo như cha mẹ, gần gũi nhất là chư vị Tăng Ni”. Từ đó họ mới một lòng một dạ hướng về Tam Bảo. Tâm lý chung của tất cả mọi người đều muốn được quan tâm, chia sẻ những thành công, thất bại, vui buồn trong cuộc sống. Dù rằng, mỗi người đều đã có mái ấm gia đình, có bạn đời đồng chí nguyện nhưng đứng ở khía cạnh tâm linh, họ vẫn cần được động viên chia sẻ. 
Vấn đề thuyết pháp không những giảng tại chùa mà còn đi hoằng pháp ở những nơi xa, chúng ta hãy nhớ lời đức Thế tôn dạy cho các vị Tỳ kheo thuyết pháp: “Này các Tỳ kheo, ví như trời mưa trên đỉnh núi, nước chảy theo khe núi tràn đầy thung lũng, sau đó tràn ngập ao hồ, tràn đầy sông suối rồi tràn xuống đại dương. Cũng vậy, bốn thời gian này, này các Tỳ kheo, nếu khéo tu tập, khéo vận chuyển, tuần tự đưa đến sự đoạn diệt các lậu hoặc”. Học hỏi tư duy và thực hành pháp nếu được ứng dụng có thứ lớp, trật tự đưa đến sự thành công trong tu tập. Dụng công đúng thời là điều cần lưu tâm cho những ai muốn tu tập có kết quả. Thuyết pháp đem lại những gì lợi ích cho sự giác ngộ giải thoát, thì mọi người mới tin và nghe theo. 
Muốn tạo được uy tín, nhiếp phục quần chúng, đòi hỏi vị lãnh đạo đó hội đủ các tính năng sau :
1. Có nhân duyên với mọi người.
2. Biết cách gieo trồng duyên lành mới với quần chúng.
3. Có đức tu thật sự.
4. Có tài lãnh đạo, tổ chức, sắp xếp mọi hoạt động.
5. Biết nhìn người và sử dụng cũng như đào tạo nhân tài cho Phật giáo.
6. Nắm bắt được nhu yếu của con người trong mọi hoàn cảnh, mọi thời đại.
Thiết nghĩ, Tăng Ni sinh trẻ nên lưu ý và xây dựng cho mình những nền móng cơ bản như các bậc tôn túc đã làm.
Đối với thời điểm hiện tại, Phật giáo Việt Nam đã hội nhập vào Phật giáo thế giới, nên tu sĩ thời hiện đại cũng cần trao dồi các ngôn ngữ quốc tế, thông thạo ngoại ngữ là nhiệm vụ trước mắt của tầng lớp Tăng Ni ngày nay. Bên cạnh đó, hàng xuất gia còn phải biết địa phương hóa những danh từ Phật học chuyên môn thành từ ngữ hợp thời đại giúp cho Phật tử học tập, tìm hiểu giáo pháp được dễ dàng hơn.
  3. Xã hội
 Phần lớn tu sĩ muốn giáo hóa hàng ngũ tại gia đến với Phật pháp thì trước tiên không thể từ chối những buổi lễ như cầu an, đám tang,…Chính những buổi lễ ấy hàng xuất gia kết duyên với họ, nhờ những nhân duyên đặc biệt đó mà gia đình họ trở nên gần gũi với Tam bảo. Nhân cơ hội đó khuyến khích họ quy y, làm những việc thiện lợi mình lợi người, nhân đó nói đến lợi ích của việc ăn chay là gieo nhân trường thọ, không bệnh hoạn… “Chớ khinh điều thiện nhỏ cho là không phước, giọt nước tuy nhỏ chảy lâu cũng đầy bát to”. Không chứa thiện nhỏ lấy gì có phước to để thành Thánh thành Phật, chớ khinh ác nhỏ mà nói là không có tội. Ác nhỏ chứa lại lâu ngày cũng đủ mất thân. Điều quan trọng của tu sĩ hoằng pháp là hoằng pháp phải triệt để. Không như những trường hợp tụng đám ma mà ra giá cả, đó là một điều không tốt trong Phật giáo, làm mất đi hình ảnh thanh cao của đệ tử Phật. Người tu xuất gia còn phải bố thí pháp cho gia chủ để lợi mình và lợi người.Thật vậy, pháp Phật làm xoa dịu kể cả dứt trừ nỗi đau của con người. 
Với đạo lý  “tre tàn, măng mọc” cần có hình ảnh từ bi và trí tuệ của Phật giáo được các Sư cô ở các trường mầm non truyền tải đến các em. Bởi thế, hãy chịu khó hy sinh, hãy dấn thân phục vụ… Như thế, Mai này các em dù trưởng thành nhưng những chủng tử Phật giáo vẫn còn đâu đó đọng lại để các em áp dụng vào trong cuộc sống của bản thân cũng như  đến với mọi người. Vì vậy, Phật giáo nên và rất cần thiết mở những trường mầm non để đem đạo vào đời giáo dục nhân sinh.
Việc hoằng pháp không dừng lại ở trường mầm non mà cũng rất cần những Tăng Ni sinh trẻ đầy nhiệt huyết dấn thân đến những trại mồ côi, trại tâm thần, người già neo đơn và người khuyết tật, bị chất độc da cam, các bệnh viện như ung bướu v.v… để  đem Phật pháp sưởi ấm lòng họ, chia sẻ với họ những mất mát về tinh thần cũng như là về thể chất giúp họ có nghị lực, lòng tin để vươn lên trong cuộc sống.
4. Tư tưởng
Đạo Phật là đạo giải thoát, cho nên vấn đề thanh lọc thân tâm, trao dồi trí huệ vẫn giữ vai trò nòng cốt của người Phật tử và những ai đến với Phật giáo phải rèn luyện nhân cách, phẩm hạnh, đó mới thực sự là nhân tố quyết định vận mệnh tồn vong của Phật giáo. Bất cứ thời đại nào, Phật giáo cũng cần chú trọng vấn đề phạm hạnh Tăng Ni, nó là nhân tố quyết định sự tồn vong của Phật pháp. Chính vì vậy tu tập, quán chiếu thân tâm chính là biện pháp hữu hiệu cho việc thanh tịnh hóa đội ngũ Tăng đoàn, cũng như xây dựng một Giáo Hội Phật giáo trong tương lai thật vững mạnh, lâu dài.  
          Đất nước ta, tuy tồn tại ba hệ phái: Bắc Tông, Nam Tông, và Khất sĩ, nhưng đều lấy tinh thần từ bi của Phật mà đến với đời, không phân biệt cao thấp; xả ngã, phá chấp, thực hiện tinh thần vô trụ, vô tướng chính là mục tiêu hướng đến. Trong bất kỳ tổ chức nào, nếu xuất hiện chủ nghĩa cá nhân thì tổ chức đó nhất định tự bị hủy diệt.
Ví như con tàu tiến về phía trước, người ta không còn nhìn thấy bóng dáng con tàu nữa nhưng những lượn sóng lăn tăn vẫn âm thầm rẽ vào bờ và cứ thế sóng làm dao động cả mặt nước. Cũng thế, một cá nhân tuy không làm thay đổi hoàn toàn cục diện nhưng có thể gây sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến quần chúng. Phải cùng nhau góp ý, xây dựng lẫn nhau sống đúng chánh pháp, gieo nhân giải thoát. Bản thân mỗi người phải hoàn thành nhân cách tốt, làm gương cho người xung quanh. Đạo Phật đặc biệt chú trọng ở chữ Tâm, chỉ cần có tâm thành, tâm nhiệt huyết thì kết quả sẽ khả quan tốt đẹp.
                 Tóm lại, tôn giáo là một hiện tượng xã hội, nó đáp ứng  tiếp cận đời sống con người, không tuyệt đối hóa thần thánh thì có thể trong tương lai sẽ phát triển bền vững hơn. Hơn nữa, Tôn giáo có toàn cầu hóa, đề cao tính đạo đức, tính khoa học… để giải quyết các nhu cầu bức thiết của thời đại. Tôn giáo đó phải được xây dựng trên cơ sở niềm tin có cơ sở và có tính khoa học,  vận dụng khoa học vào đời sống mới phù hợp với con người thời đại. 
Trong cuộc sống hiện tại, với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ vượt bậc, nhất là ngành công nghệ thông tin, giúp cho con người trên khắp năm châu ngày càng gần nhau hơn, giúp con người nắm bắt thông tin càng ngày nhanh chóng và chính xác hơn. Lại nữa, do có những phát minh mới của các nhà khoa học, giúp họ nhận thức xã hội loài người và vũ trụ theo phương pháp khoa học có logic, có thực nghiệm chớ họ không chấp nhận những gì mơ hồ, thiếu thực tế. Albert Einstein cho rằng: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hoàng Tâm Xuyên chủ biên, 10 Tôn giáo lớn trên thế giới, Nxb Chính trị Quốc gia năm 1999.
Nguyễn Thanh Xuân, Một số Tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo năm 2009.
Mel Thomson viết, TS. Đỗ Minh Hợp dịch, Triết học Tôn giáo, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội năm 2004.
PGS. TS. Trương Văn Chung Chủ biên, Chủ nghĩa Hậu hiện đại và Phong trào tôn giáo mới ở Việt Nam và thế giới, Nxb Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh năm 2014.
Stephen W. Hawking viết, Cao Chi và Phạm Văn Thiều dịch, Lược sử thời gian, Nxb Khoa học và Kỹ thuật năm 1995.
Minh Giác, Đạo Phật & khoa học, Nxb Tôn giáo năm 2005.
Narada viết, Phạm kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, Nxb Tôn giáo năm 2007.
Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb TP. Hồ Chí Minh năm 1997.
 

Tác giả bài viết: Thích Giác Duyên

Tịnh xá Phú Cường
Địa chỉ: xã Ia Pal   huyện Chư Sê  tỉnh Gia lai  Điện thoại: 0915394578
Email: tgiacduyen@gmail.com   Website: http://tinhxaphucuong.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây